TRỞ VỀ
Tin tổng hợp

Tổng giám đốc Pacific Petro: “Chúng tôi đóng thuyền to để ra biển lớn”


Công ty cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Dầu khí Thái Bình Dương (Pacific Petro) vừa công bố hợp tác chiến lược với Công ty Air Water Inc, một doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực gas công nghiệp. Ông Nguyễn Thanh Tùng, nhà sáng lập, Tổng giám đốc của Pacific Petro, gọi đây là lương duyên mà Pacific Petro đã kỳ vọng và chuẩn bị từ lâu vì mục tiêu của công ty là ra biển lớn.

Ông : Nguyễn Thanh Tùng - Nhà sáng lập - Tổng Giám Đốc Pacific Petro

Ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, ngay từ những ngày đầu thành lập, dù là một doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhưng tôi đã xác định sẽ xây dựng Pacific Petro vươn tầm khu vực, phải đóng thuyền to để vươn ra biển lớn. Muốn làm được điều này thì chúng tôi cần có kinh nghiệm, kiến thức quản trị, khả năng tài chính của những nhà đầu tư từ các nước phát triển để bổ khuyết cho mình. Có vậy mới phát triển nhanh, mạnh được. Vì vậy, hợp tác với Air Water, nhà đầu tư hội đủ tiêu chí mà chúng tôi cần, chính là bước chúng tôi đóng thuyền to để ra biển lớn đó!

TBKTSG: Biển lớn ở đây cụ thể là gì, thưa ông?

- Ông Nguyễn Thanh Tùng: Trong chiến lược kinh doanh chúng tôi đã vạch ra thì mục tiêu trong năm năm tới Pacific Petro sẽ là nhà cung cấp nguồn khí hóa lỏng (LPG) cho các nước trong khu vực, như Campuchia, Thái Lan hay Philippines. Nghĩa là, chúng tôi sẽ vươn ra khu vực Đông Nam Á chứ không còn khu trú tại Việt Nam. Tất nhiên, tại thị trường nội địa thì chúng tôi cũng sẽ tiếp tục vững chắc vị trí của mình với vai trò là nhà bán lẻ, bán sỉ. Mục tiêu cụ thể là sẽ nằm trong top 3 các công ty LPG lớn nhất tại Việt Nam.


TBKTSG: Phía nhà đầu tư Nhật Bản có vai trò và đóng góp như thế nào trong việc đưa Pacific Petro tiến đến mục tiêu này?

- Điều đầu tiên và lớn nhất, chắc chắn là họ sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện công tác quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế. Đây vốn là một thế mạnh đặc biệt của các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư sẽ giúp chúng tôi có thêm nguồn lực tài chính để hiện thực hóa các ý tưởng đầu tư, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể là sẽ phát triển hệ thống phân phối sản phẩm LPG trên cơ sở tập trung sản xuất, gia tăng số lượng vỏ bình gas. Song song với đó là xây dựng cầu cảng lớn có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 50.000 tấn và tổng kho có sức chứa lên tới 15.000 tấn tại Cảng Dầu khí quốc tế Pacific Petro tọa lạc ở Khu công nghiệp Nam Tân Tập, Cần Giuộc, Long An.

Cũng phải nhấn mạnh là đối tác Nhật nắm quyền chi phối Pacific Petro nhưng tôi vẫn là người điều hành công ty. Họ tham gia Hội đồng quản trị để quyết định các chiến lược kinh doanh, còn tôi là người hiện thực hóa tất cả các kế hoạch đó. Bên cạnh đó, gần 120 cán bộ công nhân viên của Pacific Petro, tài sản lớn nhất mà chúng tôi gầy dựng được, vẫn tiếp tục làm việc ở công ty, không có gì thay đổi.

TBKTSG: Được biết, trước khi Air Water tham gia vào Pacific Petro, công ty ông cũng từng tiếp xúc đối tác đến từ các nước phát triển khác, chẳng hạn như Mỹ. Vậy, tại sao lại là Nhật Bản và Air Water?

- Chúng tôi chọn doanh nghiệp Nhật Bản vì có sự tương đồng về tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi. Có lẽ là vì cùng là người châu Á. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã chứng minh sự vượt trội về trình độ quản lý, sự chuyên nghiệp, tính kỷ luật, chặt chẽ trong công tác quản lý chất lượng sản phẩm... so với các công ty đến từ các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất và khiến chúng tôi hài lòng là đã gặp được nhà đầu tư cùng lĩnh vực LPG. Air Water hiện là doanh nghiệp hoạt động ở nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật nhất là các sản phẩm gas công nghiệp, năng lượng phục vụ sinh hoạt. Doanh thu hai mảng này của họ chiếm gần 30% tổng doanh thu toàn công ty. Họ cũng là doanh nghiệp phát triển bền vững, liên tục tăng trưởng trong những năm qua và đang hướng đến mục tiêu doanh thu 1.000 tỉ yen vào năm 2021. Họ cũng đã có kinh nghiệm hoạt động lĩnh vực khí tại nước ngoài. Chúng tôi gặp nhau ở tư duy và định hướng kinh doanh. Đây chính là cơ sở để chúng tôi có niềm tin rằng sẽ cùng nhau đạt được kế hoạch và mang lại lợi ích bền vững cho cả hai bên, đúng như thông điệp của Pacific Petro là “hợp tác dài lâu, cùng nhau phát triển”.


TBKTSG: Xuất phát điểm của Pacific Petro là một doanh nghiệp có quy mô nhỏ. Theo nhận xét của nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng như công ty tư vấn mua bán sáp nhập - M&A, các doanh nghiệp Việt Nam có rất nhiều hạn chế khi M&A. Chẳng hạn như ngại ngần về việc bán “đứa con tinh thần”, mất quyền kiểm soát; không sẵn sàng về hệ thống... Vậy nhưng, Pacific Petro đã bán được vốn cho một đối tác đến từ đất nước vốn đòi hỏi rất cao về điều kiện khi M&A. Theo ông, đâu là điểm mấu chốt đem lại thành công cho thương vụ này?

- Thương vụ này của chúng tôi, từ thời điểm gặp gỡ, đàm phán đến kết thúc chỉ 12 tháng. Đây có thể xem là thời gian ngắn trong các thương vụ của các doanh nghiệp Nhật. Thực ra, mấu chốt vấn đề là sự chuẩn bị và sẵn sàng của bản thân người chủ. Như tôi đã chia sẻ, từ nhiều năm trước, khi bắt đầu với Pacific Petro, tôi đã xác định rất rõ là sẽ kêu gọi nhà đầu tư. Do vậy, ngay từ đầu, chúng tôi đã xây dựng doanh nghiệp theo các chuẩn mực. Đầu tiên là về con người. Đó phải là những người chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo. Kế đến là hệ thống và phương pháp quản trị doanh nghiệp. Công ty được vận hành trên nguyên tắc minh bạch, công khai. Đó là lý do chúng tôi chỉ có một hệ thống sổ sách kế toán, không giống tình trạng hai sổ khá phổ biến hiện nay ở doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó là tầm nhìn chiến lược, định hướng thị trường rõ ràng, cụ thể. Chúng tôi đã duy trì được mức độ tăng trưởng ổn định, bền vững trong nhiều năm qua, doanh thu và sản lượng năm sau luôn tăng hơn năm trước ít nhất 10%.


Với tất cả những nền tảng này, chúng tôi đã rút ngắn được thời gian đàm phán để đi đến kết quả cuối cùng. Tất nhiên, cũng phải nhấn mạnh lần nữa rằng, sự hợp tác lần này sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện và nâng tầm hơn nữa tất cả những gì đã có để vững vàng vươn ra khu vực.

Xin cảm ơn ông!
Theo Minh tâm